Theo đó, mỗi Thông tư gồm 43 Điều, quy định cụ thể về mục đích, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, các mức đánh giá trường học, các tiêu chuẩn đánh giá trường học, tự đánh giá, đánh giá ngoài, việc công nhận trường đạt kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ...
Thay vì phải tách riêng hai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và hoạt động công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với mỗi cấp học như trước đây, Thông tư mới đã tích hợp hai hoạt động trên thành một hoạt động duy nhất là “kiểm định chất lượng giáo dục”; ví dụ cụ thể, trước đây trường hợp nhà trường có nguyện vọng muốn được đồng thời công nhận kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia thì cơ quan quản lý phải tổ chức hai đoàn riêng biệt để thẩm định và đánh giá ngoài trường học đó. Nếu áp dụng Thông tư mới thì cơ quan quản lý chỉ phải tổ chức một đoàn để đánh giá ngoài đối với trường học trên, kết quả đánh giá ngoài được sử dụng để công nhận trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường học đạt chuẩn quốc gia (nếu nhà trường đạt cả hai yêu cầu theo quy định) hoặc công nhận một trong hai (nếu trường đạt một yêu cầu) hoặc không công nhận (nếu nhà trường không đạt yêu cầu nào); đối với nhà trường, chỉ cần thực hiện một quy trình tự đánh giá, lưu trữ một bộ hồ sơ, minh chứng tự đánh giá.
Thông tư quy định, Tiêu chuẩn đánh giá trường học là các yêu cầu đối với nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng các hoạt động. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của trường; trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí. Tiêu chuẩn đánh giá trường học có 4 mức (từ Mức 1 đến Mức 4) với yêu cầu tăng dần, trong mỗi mức có 5 tiêu chuẩn. Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao. Thông tư cũng nêu rõ mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học: Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định trường học đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của nhà trường; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Công nhận đạt chuẩn quốc gia nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh đó, quy trình đánh giá trường học được chia làm hai phần: Tự đánh giá của nhà trường và đánh giá ngoài của cơ quan quản lý nhà nước. Việc tự đánh giá là quá trình trường học dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tự xem xét, đánh giá thực trạng chất lượng các hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; cơ sở vật chất, các vấn đề liên quan khác của nhà trường để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn đánh giá trường học. Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường học để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc công nhận trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục, căn cứ vào kết quả hoạt động đánh giá ngoài đạt từ Mức 1 trở lên, nhà trường sẽ được công nhận và cấp Giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục một trong bốn Cấp độ (từ Cấp độ 1 đến Cấp độ 4) tương ứng với Mức đạt được (Mức 1 đến Mức 4 của kết quả đánh giá ngoài). Đối với việc công nhận và cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng dựa trên các Mức đạt được của nhà trường qua hoạt động đánh giá ngoài, trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi có kết quả đánh giá ngoài từ Mức 2 trở lên, được công nhận một trong hai Mức độ (Mức độ 1 hoặc Mức độ 2). trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 khi được đánh giá ngoài đạt Mức 2, trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2 khi được đánh giá ngoài đạt Mức 3 trở lên.
Ngoài ra, việc công nhận trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia còn phải căn cứ vào nguyện vọng của nhà trường muốn được đánh giá ngoài để được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục hoặc công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đồng thời công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào nguyện vọng của nhà trường để thực hiện quy trình đánh giá ngoài và công nhận (nếu đạt) theo nguyện vọng đó.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2018./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Bằng
Nguồn tin: Phòng KT&QLCLGD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn